Ngành công nghiệp mỹ phẩm dành cho phái mạnh đang rất thành công ở Trung Quốc khi nhu cầu làm đẹp của nam giới ngày càng cao.
Ban đầu chỉ là dùng lén mỹ phẩm của vợ, nhưng giờ thì anh Ben Shiyuan đã sử dụng cả nước dưỡng da, sữa rửa mặt và cả kem dưỡng ẩm mỗi sáng. Anh Shiyuan - một quan chức 39 tuổi sống tại Bắc Kinh cho biết: “Đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm mà thôi. Tôi còn đắp mặt nạ bùn, mát-xa mặt hàng tuần, dùng kem che khuyết điểm để giấu vết thâm quanh mắt và phấn nền nếu da tôi trông có vẻ nhợt nhạt”.
Một người đàn ông đang trong quá trình chăm sóc da tại một triển lãm mỹ phẩm ở Vũ Hán, Hồ Bắc.
Ben Shiyuan chỉ là một trong số rất nhiều người được gọi là “dị tính luyến ái” - thuật ngữ Trung Quốc dùng để chỉ những người đàn ông thích dùng mỹ phẩm và chăm chút cho vẻ ngoài của mình. Chính những người này đã biến Trung Quốc trở thành một thị trường béo bở cho ngành công nghiệp mỹ phẩm nam giới.
Theo các nhà tư vấn tại Euromonitor International, doanh thu từ các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp cho phái mạnh tại Trung Quốc đã vượt qua Bắc Mỹ vào năm 2010 và có lẽ sẽ tăng gấp 5 lần cho đến năm 2014.
Nhà phân tích Kevin Zhu của Euromonitor International còn cho biết thêm: “Đàn ông Trung Quốc đã cảm thấy thoải mái hơn nhiều trong việc mua mỹ phẩm cho riêng mình. Họ không cần phải mượn vợ hay bạn gái nữa”.
Các nhà xã hội học cho hay sự tự tin này cũng đi kèm với nhu cầu làm mình nổi bật hơn trong công sở. Các dữ liệu mới được công bố của công ty tư vấn CTR cho thấy gần 40% đàn ông thành thị dùng các sản phẩm chăm sóc da và mỹ phẩm khác trong nửa đầu năm 2010, 60% trong số đó là các doanh nhân.
Anh Shiyuan nói: “Chăm sóc vẻ bề ngoài của mình không phải là việc làm nữ tính, đặc biệt là đối với những người có tuổi như tôi trong ngành công nghiệp bị thống trị bởi những người trẻ tuổi và đầy nhiệt huyết”. Anh đang là giám đốc cấp cao tại một công ty về mạng xã hội và thừa nhận rằng mình phải dùng mascara của Lancome trong các buổi họp hay thuyết trình quan trọng.
Anh giải thích rằng: “ Ngoại hình khá giúp tôi được người khác nể trọng. Đặc biệt là khi làm việc với các nhân viên trẻ. Nó cũng cho đối tác thấy rằng tôi là người nghiêm túc, chú ý đến tiểu tiết và có tư tưởng tiến bộ”.
Mỹ phẩm cũng giúp các ứng cử viên trở nên ấn tượng hơn trong mắt nhà tuyển dụng. Mặc dù yếu tố ngoại hình chỉ chiếm 20 – 30% một buổi phỏng vấn, nhưng theo bà Judy Zhu – giám đốc Công ty tư vấn việc làm quốc tế (CTR) thì: “Khi các ứng cử viên có năng lực tương đương nhau, thì ngoại hình khá sẽ là một lợi thế”.
Lời khuyên của các chuyên gia mỹ phẩm cho nam giới được đăng tải trên rất nhiều tạp chí về phong cách sống, kể cả các chi nhánh của tạp chí thời trang nổi tiếng như Bazaar Men's Style và GQ. Zow Wen – biên tập viên của tờ GQ tại Trung Quốc trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn Bloomberg rằng: “Chúng tôi có hẳn một bài báo về mỹ phẩm dành cho nam giới trong mỗi ấn bản, và các độc giả phản hồi trên Internet rằng họ muốn có 2 hay 3 bài báo như thế nữa”.
Và dù mục đích là gì thì đàn ông Trung Quốc càng dành nhiều thời gian đứng trước gương thì các hãng mỹ phẩm lớn càng được lợi.
Một người đàn ông đang chăm sóc móng tại khu quảng cáo của một thẩm mỹ viện ở Nam Kinh, Giang Tô
Thị trường chăm sóc da cho nam giới tại Trung Quốc có giá trị ước tính là 269,6 triệu USD trong năm 2010, nhỉnh hơn một chút so với 227,4 triệu USD tại Bắc Mỹ. Theo dự báo của Euromonitor, thị trường Trung Quốc sẽ tăng trưởng 29% hàng năm trong giai đoạn 2009 – 2014, con số này ở Bắc Mỹ là 5,7% và ở châu Âu là 7,9%.
L'Oreal SA – công ty mỹ phẩm lớn nhất thế giới – đã giới thiệu sản phẩm Biotherm Homme vào thị trường Trung Quốc năm 2003 trước khi quảng cáo cho sản phẩm nổi tiếng Men Expert 3 năm sau đó. Giá bán lẻ của sản phẩm này là hơn 100 NDT (tương đương 15 USD).
Các số liệu của Euromonitor cho thấy L’Oreal chiếm 32% thị phần tại Trung Quốc năm 2009. Ông Alexis Perakis-Valat – CEO của L’Oreal Trung Quốc cho biết: “Chúng tôi ước tính phân khúc mỹ phẩm cho nam giới sẽ tăng trưởng với tốc độ gấp đôi tốc độ của toàn bộ thị trường mỹ phẩm ở Trung Quốc. Và đó mới chỉ là sự khởi đầu. Đàn ông Trung Quốc rất hiện đại và không kiêng kị gì hết. Họ rất thực tế và họ cũng nhận thấy rằng ngoại hình khá là một cách tuyệt vời để thể hiện bản thân cũng như cải thiện các mối quan hệ với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp”.
Năm ngoái, công ty này cũng đã bắt đầu bán Garnier – một nhãn hiệu nhắm vào những người mới dùng mỹ phẩm tại các thành phố hạng ba và hạng tư tại Trung Quốc. Các công ty khác cũng mới gia nhập thị trường này trong vài năm gần đây là Beiersdorf AG với Nivea, Shiseido của Nhật với Aupres JS và Proctor and Gamble (P&G;) với Olay for Men.
Các nhãn hiệu trong nước cũng khá thành công. Công ty Shanghai Jahwa United gần đây đã ra mắt sản phẩm có chứa các loại thực vật mọc trên sa mạc để cải thiện sức chống chịu của da trong những hoàn cảnh khắc nghiệt.
Kenvin Zhu của Euromonitor cho biết: “Đột phá và phát triển đã làm thị trường Trung Quốc tăng trưởng. Đã qua rồi cái thời chỉ có một vài sản phẩm rửa và dưỡng ẩm đơn giản. Giờ là lúc thống trị của các dòng sản phẩm phức tạp hơn như kem chống lão hóa hay chống ô xi hóa”.
Tốc độ tăng trưởng hàng năm của toàn bộ thị trường mỹ phẩm đã tăng vọt từ 44,83 tỷ USD năm 2002 lên 66,6 tỷ USD năm 2009 và được dự đoán chạm mức 77,84 tỷ USD năm 2012.
Tuy nhiên, nếu so sánh với mỹ phẩm cho nữ giới tại Trung Quốc, thì thị trường cho nam giới vẫn còn tương đối chậm phát triển, và theo nhà phân tích Zhu thì điều đó có nghĩa là còn rất nhiều khoảng trống cho các sản phẩm mới.
Anh cũng dự đoán rằng các sản phẩm với giá thành hợp lý và được phân phối rộng rãi sẽ tăng trưởng mạnh nhất. Các nghiên cứu của P&G; cũng cho thấy khoảng 65% đàn ông Trung Quốc đang sử dụng sản phẩm chăm sóc da.
Tuy nhiên, theo anh Tian Xun – biên tập viên tại tạp chí thời trang cho nam giới Esquire – trong khi doanh thu của các sản phẩm dưỡng ẩm và lotion có thể sẽ tăng, thì lại có rất ít nam giới chọn mua mặt nạ dưỡng da. Ông Alexander Dony – giám đốc điều hành bộ phận mỹ phẩm cho nam giới tại P&G; Trung Quốc cho biết: “Thị trường này tại Trung Quốc mới bắt đầu phát triển và người tiêu dùng vẫn đang trong quá trình tiếp nhận các khái niệm về làm đẹp”. Chiến lược của P&G; là xây dựng một chuỗi các dòng sản phẩm cho nam giới như chăm sóc da, cạo râu, chăm sóc toàn thân và chăm sóc tóc để thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của đàn ông Trung Quốc.
Hà Thu (theo Chinadaily)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét